Dược liệu quý từ cây Tầm gửi sau sau
Giống như con ong làm mật lấy từ tinh chất của các loài hoa, cây tầm gửi sống nhờ vào bộ rễ thọc sâu hút tinh chất của cây chủ. Với các thầy thuốc nam, bản thân nhựa, rễ, lá, vỏ cây sau sau đã là những vị thuốc quý. Thế nhưng, loại cây “sống nhờ”- tầm gửi trên cây sau sau lại càng quý hơn bởi đó là một vị dược liệu quý, không thể thiếu trong nhiều bài thuốc nam cổ truyền.
Thuốc “tiên” cho bà mẹ và trẻ sơ sinh...
Chị Vi Thị Hoà, dân tộc Tày, ở thôn Khe Váp, xã Bắc Lãng (Đình Lập, Lạng Sơn) cho biết, gia đình chị sống sâu trong núi rừng, cách xa đường giao thông và trạm y tế, nên khi sinh nở, chị phải sinh ở nhà. Nhưng chị cảm thấy yên tâm, bởi ở nhà, chị sử dụng thuốc từ cây cỏ thay vì các loại thuốc viên kháng sinh, thuốc bổ. Sau 10 ngày sinh con, được xông tắm bằng tầm gửi sau sau, chị thấy hồi phục sức khoẻ rất nhanh và ngay sau đó, có thể làm các công việc hàng ngày như làm đồng, đi rừng, hái củi. Hiện giờ, chị có hai cậu con trai nhanh nhẹn, khoẻ mạnh. Không chỉ có chị Hoà biết tắm tầm gửi sau sau khi sinh mà tất cả phụ nữ ở khe Váp đều biết đến bài thuốc này.
Ông Đặng Minh Tài, dân tộc Dao, thầy thuốc nam thôn Khe Cảy cho biết, dùng tầm gửi sau sau tắm cho bà đẻ, trẻ em suy dinh dưỡng có tác dụng đuổi gió, hồi sức, đỡ phải kiêng kị nhiều thứ. Có thể dùng tầm gửi tươi hoặc khô, tắm trong vòng 1 tuần liền là có tác dụng. Theo các thầy thuốc nam xã Bắc Lãng, tầm gửi sau sau là một vị thuốc quan trọng trong 120 vị thuốc dùng để nấu cao thực vật. Kinh nghiệm dân gian cũng chỉ ra rằng, tầm gửi sau sau, khi thái nhỏ, phơi khô, dùng ngâm rượu hoặc sắc nước uống có tác dụng chữa đau xương khớp, đau lưng, giải cảm, phòng chữa thấp khớp, phong hàn, hậu sản…
Theo lời già làng ở thôn Khe Váp, tầm gửi sau sau được xem là vị thuốc tốt nhất khi có đủ 5 loại tầm gửi sống trên cùng một cây sau sau, trong đó quan trọng nhất là cây tầm gửi càng cua (càng pu- tiếng Tày, chặc coỏng nháo- tiếng Dzao). Những “cục biếu” tầm gửi (cục gỗ phình to), nơi tiếp giáp của tầm gửi với cây sau sau được coi là có tác dụng dược liệu tốt nhất.
Kinh nghiệm dân gian về tầm gửi
Cây Tầm Gửi có tên khoa học là Mistletoe, nghĩa là “thuốc trên nhánh cây”. (Mistel có nghĩa là “thuốc”, “tan” có nghĩa là “nhánh cây” -ngôn ngữ Anglo- Saxon). Trong quan niệm dân gian, cây tầm gửi là loại cây nhận được sự chuyển tiếp siêu nhiên vì gốc không tới đất nên không vấy bẩn và đặc biệt là khả năng sống dựa vào các loài cây khác. Với các thầy thuốc nam, hầu như loại tầm gửi nào cũng dùng được và mỗi tầm gửi ở mỗi cây khác nhau cho các tác dụng điều trị bệnh khác nhau. Tiếc rằng trong sách “Các cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của GS Đỗ Tất Lợi lại không có mục nào đề cập đến các loại thuốc từ cây tầm gửi này.
Theo dân gian, ngoài tầm gửi sau sau được biết đến như một vị thuốc quý nhất, còn có các loại tầm gửi mọc trên các cây khác như tầm gửi cây đa, cây sung, cây xoan, cây gạo.. Tất cả đều là những vị thuốc nam quý giá. Đã có một thời gian nhiều người đồn thổi nhau về công dụng chữa “bách bệnh” và đặc biệt là khả năng hồi phục sức khoẻ cho phụ nữ sau sinh của tầm gửi cây gạo (đặc biệt nhiều ở Phú Thọ) làm giá cả của loại tầm gửi này “đội trời” (400.000- 600.000đ/kg khô).
Tuy vậy, công dụng chữa bệnh của tầm gửi cây sau sau lại ít người được biết đến và cũng rất ít nơi sử dụng tầm gửi cây sau sau phổ biến, thông dụng và hiệu quả như người dân tộc Tày và Dao tại xã Bắc Lãng. Kinh nghiệm dân gian lưu truyền rất nhiều bài thuốc về cây tầm gửi. Tầm gửi cây mít có tác dụng chữa sốt rét, tầm gửi cây xoan chữa kiết lỵ, táo bón, cây chanh chữa ho.. Nhưng trong đó, tầm gửi cây sau sau được người dân sử dụng rộng rãi và chữa được nhiều bệnh hơn cả. Ngoài những công dụng như đã nói, theo bà Lương Thị Lộc, dân tộc Cao Lan, thôn Khe Cua, xã Đội Cấn (Tuyên Quang), thì cây tầm gửi sau sau nếu kết hợp với tầm gửi cây xoan, cây si, cây gạo sẽ tạo ra bài thuốc chữa dạ dày rất hiệu quả.
Cây sau sau quý- tầm gửi càng quý hơn….
Theo kinh nghiệm dân gian, sở dĩ tầm gửi sau sau quý là vì bản thân nhựa, rễ, lá cây sau sau đã là những vị thuốc quý. Đặc biệt, trong đó, có tầm gửi càng cua, chỉ duy nhất thấy ở cây sau sau lại là vị thuốc rất tốt trong các bài thuốc cổ truyền phòng chữa thấp khớp, phong hàn, hậu sản. Nhiều sách ghi rằng cả cây sau sau không có độc, có thể dùng làm thuốc. Lá nấu uống trị lỏng lỵ, cầm máu, mẩn ngứa, lợi niệu, thấp khớp. Nhựa cây dùng làm thuốc giảm xuất tiết đường hô hấp (sổ mũi), thuốc ngoài da làm mau liền vết thương, làm thuốc dán trị sưng đau, trị ung nhọt. Quả Sau sau phơi khô ngâm rượu uống trị đau nhức mỏi ở người lớn tuổi hoặc trong bệnh phong thấp, kết hợp với một số vị thuốc khác làm lợi niệu, điều hòa kinh nguyệt, thông tia sữa, tăng lượng sữa cho phụ nữ sau khi sinh.
Ngoài việc chữa được bệnh, cây sau sau còn cung cấp thực phẩm cho con người, đó là nấm. Người dân cho biết, bất cứ loại nấm gì mọc từ cây sau sau đều ăn được, không sợ độc. Thường có hai loại nấm là nấm tai khỉ (tiếng Tày gọi là boóc xu lình) có mầu nâu, nấm tai ngựa (boóc xu mạ) có màu trắng. Nấm hương cũng được cấy trên nguyên liệu là cây sau sau.
Ngoài ra, ngọn lá sau sau non là một món rau sống tuyệt vời! Món này thường được ăn kèm với nem chua, gỏi. Người dân tộc Dao (xã Bắc Lãng) còn dùng lá sau sau để tạo màu tím đen của xôi trong món xôi ba màu không thể thiếu trong các ngày lễ bằng cách giã nhỏ lá sau sau, đem ủ 2-3 ngày rồi dùng nước đó ngâm gạo tạo màu xôi.
Cây sau sau cũng như cây tầm gửi mọc trên nó mang lại cho người dân rất nhiều giá trị. Khe Váp (Bắc Lãng, Đình Lập) còn khá nhiều sau sau và nhiều tầm gửi tự nhiên trên cây sau sau, nhiều cây có tới 3-5 loại tầm gửi Tuy nhiên, độ phong phú về số lượng đang ngày một mất đi để thay thế vào đó là những cây mang lại giá trị kinh tế tức thời như cây bạch đàn, keo, thông. Thiết nghĩ, để bảo tồn những bài thuốc quý từ cây tầm gửi sau sau, thì cây sau sau cần được bảo vệ tốt hơn nữa.
Vietherb
Bình luận