Bài thuốc quý chữa phong tê thấp và mỏi liệt gân cơ của người Tày

Bài viết trên báo Lao Động về cụ Hoàng Văn Tài, một thày lang bản địa trong mạng lưới thày thuốc nam mà Vietherb "sưu tầm" và đồng hành để cùng phục dựng, bảo tồn các bài thuốc quý.

Thay vì phụ thuộc và tốn kém vì tân dược hay những lần phẫu thuật, trị liệu tốn kém, người Việt có thể tự phòng và chữa bệnh với những bài thuốc từ rễ củ, hoa lá dược thảo thiên nhiên... Nhưng những người nắm giữ bài thuốc của đất trời ấy vẫn đang tản mát trong dân gian, và mỗi ngày nguy cơ thất truyền bài thuốc, cây thuốc càng lớn.

Lại một lần nữa nỗi lo về sự "thất thoát" tinh hoa y học cổ truyền dân tộc được đặt ra, khi những người như cụ Tài đều trong độ tuổi rất gần với "ông bà".


Ông Hoàng Văn Tài bên vườn thuốc nam tự trồng.

   Ở thôn Voi Xô (xã Hòa Thắng, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn), từ trẻ con tới người già, mắc từ bệnh nhẹ tới bệnh mãn tính là bà con lại tìm đến cụ. Cụ Tài như một cuốn Bách khoa Toàn thư về thuốc Nam. Cụ bảo, người Tày có nhiều bài thuốc quý, cả đời học cũng không hết. Cụ được thừa hưởng bài thuốc gia truyền điều trị thấp khớp, tê bại, đau nhức xương, đau vai gáy, thắt lưng, chân tay rũ mỏi… Đây là bài thuốc cha truyền con nối, bổ sung thêm kinh nghiệm kiến thức của cụ suốt thời gian làm quân y trong quân ngũ, đồng thời thu thập và trao đổi kiến thức với các ông lang bà mế ở nhiều tỉnh thành trong nước.Theo cụ Tài, người già hay viêm đau xương khớp thường là do cơ thể đã già yếu. Các sụn đệm đầu khớp bị bào mòn theo tuổi tác, dịch khớp không còn đủ để bôi trơn làm cho việc đi lại nặng nề, thậm chí là đau tức. Cụ bảo, “người bệnh nhẹ chỉ cần ngâm chân trong nước lá thuốc là đủ hoặc thì kết hợp thuốc xoa bóp và nặng thì uống thuốc thêm, ắt sẽ khỏi”.

   Sở dĩ cụ tập trung nghiên cứu vào bài thuốc xương khớp này vì theo cụ, ở ta nóng ẩm gió mùa, hơi đất, hơi nước, hơi sương gió khiến con người dễ mắc chứng thấp khớp, đau xương, nhất là người già. Bà con phải đi cày đi cấy, quanh năm ngâm chân dưới nước cũng dễ bị khớp.

   Mấy năm nay, cụ Tài không còn tự vào rừng sâu lấy lá thuốc, phải nhờ đến con cháu, nhưng cụ bảo, người bệnh nhiều mà lá thuốc ở ta ngày càng, nhiều loại cây bị xuất bán sang Trung Quốc nên cụ phải tự trồng trong vườn rừng quanh nhà. Cách này, theo cụ Tài, là lưu giữ và nhân giống cây thuốc quý. Ngoài bốc thuốc, cụ Tài còn giỏi châm cứu chữa bệnh. Cụ chế ra loại thuốc xoa bóp từ cây thuốc gia truyền chuyên dùng cho châm cứu. Nhiều ca nặng tới mức liệt nửa người được cụ trị khỏi, nhiều người tới tìm cụ để sử dụng phương thuốc gia truyền của người Tày.

   Cụ Tài đang lo ngay ngáy chuyện tìm người kế thừa bài thuốc. Cụ bảo: “Cây để làm thuốc của người Tày không có tên gọi riêng mà được lưu theo công dụng chữa bệnh. Có loại gọi là cây chữa gãy xương, có loại chữa bong gân, chữa nhức mỏi chân tay… Khó nhất là người theo nghề phải nhận mặt được các loại cây, lá thuốc, rồi từ kinh nghiệm của mình có thể gia giảm theo sức khỏe, tình trạng của người bệnh”. Cũng theo cụ Tài, hái thuốc có “loại hái vào sớm mai, loại thì hái chiều tà. Việc hái lá phải tuân thủ theo tập tục như thờ thổ kỳ, thần rừng, thần cây chứ không phải cứ ra là ngắt ngọn, cắt lá, chặt cây, đào rễ phá hoại cây rừng”.

   Ở thôn Voi Xô, gia đình cụ Tài là gia đình có tiếng, con cháu đuề huề song 8 người con của cụ hiện chưa ai theo nghề thuốc. “Nghề này chẳng giàu có, trách nhiệm mà vất vả. Nhiều bài thuốc, cây thuốc quý của người Tày hiện nay đã mai một theo thời gian. Phần vì việc truyền nghề là cầm tay chỉ thuốc nên rất khó phổ biến rộng rãi, phần vì việc ghi chép không được bài bản như dưới xuôi nên nhiều bài thuốc của ông lang, bà mế mất dần khi họ về trầu ông bà vải. Cây thuốc quý cũng không còn nhiều trong tự nhiên mà phải tự trồng để bảo tồn…”, cụ Tài vừa nói vừa chìa cho tôi những lá thuốc mà cụ cất mất bao công sức để phơi khô dưới nắng. Nào là dây ba cạnh, chìa vôi bốn cạnh, tơ mành, nho rừng, đơn kim, gồi hạc, kim sương, cúc tần, ngải cứu, đại bi… - những loại cây đặc trưng của núi rừng Lạng Sơn.

   Cụ Tài còn bài thuốc khác được sử dụng như các loại rượu thuốc bóp ngâm cây lá trong dân gian. Công dụng của thứ rượu này là trị thấp khớp, tê bại, đau nhức gân xương, đau mỏi chân tay, vai gáy, các chấn thương do va đập, sưng tấy… Các thành phần trong chai rượu thuốc cụ Tài cho tôi xem cũng gồm những vị cơ bản là gối hạc, bạch hoa xà, hoàng nàn, kim sương, đơn châu chấu, đơn lá ổi, thau đốc ngù. Người bệnh sau khi xoa bóp chỗ đau nhức sẽ có cảm giác nóng ấm tại phần đó. Các triệu chứng bệnh sẽ dần tan biến sau một vài lần xoa bóp bằng thuốc của cụ.

   Mời các bạn đọc chi tiết tại:

   http://laodong.com.vn/suc-khoe/bai-thuoc-quy-chua-phong-te-thap-va-moi-liet-gan-co-cua-nguoi-tay-389345.bld


Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên

Bình luận